Ngày 04/8, Trường Đại học Đồng Tháp đã tổ chức hoạt động "Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc với trẻ rối loạn phát triển" do NCS.ThS Nguyễn Trọng Dần – Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và NCS.ThS Hà Như Quỳnh – Tác giả bộ sách: Thực hành phát triển giao tiếp, trình bày báo cáo.
Buổi hoạt động đã thu hút đông đảo sự tham dự của các giảng viên từ Khoa Tiểu học - Mầm non, Bộ môn Tâm lý - Quản lý giáo dục và Bộ môn Công tác xã hội, cùng với giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Quang cảnh chương trình
Chương trình hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ rối loạn phát triển, bao gồm trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý và trẻ rối loạn khuyết tật trí tuệ. Các khái niệm và dấu hiệu nhận dạng, cũng như đặc điểm về nhận thức, ngôn ngữ và hành vi của trẻ rối loạn phát triển đã được thảo luận và giải thích một cách cụ thể và rõ ràng.
Ngoài ra, hoạt động còn tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các mô hình giáo dục đáp ứng cho trẻ rối loạn phát triển, bao gồm giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và giáo dục bán hòa nhập. Các giảng viên và giáo viên mầm non đã được hướng dẫn cách phát triển kỹ năng tương tác với trẻ, thông qua các hoạt động vui chơi và sinh hoạt tại nhà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ.
NCS.ThS Hà Như trình bày báo cáo
Buổi hoạt động cũng tập trung vào việc đánh giá và sàng lọc để tìm ra các nguy cơ rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ, từ đó đưa ra các đánh giá chuyên sâu về tình trạng rối loạn phát triển và tuổi phát triển của trẻ. Điều này giúp hỗ trợ tư vấn cho gia đình và giáo viên định hướng can thiệp hiệu quả cho trẻ.
Đại diện tham dự trao đổi trong chương trình
Chương trình diễn ra trong không khí vui tươi hào hứng. Các đại diện tham dự được trang bị kiến thức và kỹ năng mới để chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển một cách chu đáo và tốt nhất. Trường Đại học Đồng Tháp sẽ đồng hành và hỗ trợ cộng đồng giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt đối với các trẻ em đang gặp khó khăn trong phát triển.
Tin, ảnh: Hoài Phong